Tuyến phòng thủ đầu tiên của Bắc Kinh chống lại mức thuế quan cao hơn có thể là tiền tệ của nước này. Thật may là biện pháp này phù hợp với một nền kinh tế ảm đạm.
Vào thời kỳ hoàng kim của chính sách đồng USD mạnh vào cuối những năm 1990, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin thường bị chất vấn về các sắc thái trong học thuyết. Ông ta rất ngại thay đổi; ngay cả sự lệch hướng hoặc khác biệt nhỏ nhất trong cách diễn giải cũng có thể gây ra sự xáo trộn lớn trên thị trường ngoại hối. Cánh nhà báo liên tục đặt câu hỏi liệu đồng USD mạnh trong thời gian dài có thúc đẩy lợi ích của Mỹ hay không. Sự dò xét đó là hợp lý; cựu giám đốc của Goldman Sachs không phải lúc nào cũng tránh sự thay đổi. Có những trường hợp hiếm hoi khi cho phép đồng USD yếu đi hoặc thậm chí bán nó lại có lợi cho Washington. Rubin được hỗ trợ bởi một giai đoạn bùng nổ dài khiến dòng tiền đổ vào Mỹ. Điều kiện khi đó phù hợp với lập trường này. Chủ nghĩa thực dụng là yếu tố chi phối.
Các quan chức Trung Quốc ngày nay cũng cảm thấy sự tương đồng.
Đường lối lâu dài của Bắc Kinh là cam kết giữ đồng NDT "về cơ bản là ổn định". Với sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump, các trader sắp tìm ra mức độ ổn định có thể được duy trì trong bối cảnh các mối đe dọa về việc thuế quan sẽ tăng đột ngột. Liệu nó có nghĩa là sự suy yếu rõ rệt nhưng dần dần trong vài năm tới mà không gây ra quá nhiều gián đoạn hoặc làm tăng nguy cơ tháo chạy vốn không? Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng đã đề cập đến giá trị của "mức cân bằng hợp lý". Tất nhiên, điều gì là hợp lý hay cân bằng có thể phụ thuộc vào tình hình. Trung Quốc sẽ cần một số cách để hấp thụ cú sốc nếu mức thuế 60% đối với hàng xuất khẩu của mình thực sự được áp dụng. Thị trường ngoại hối là một nơi tuyệt vời để bắt đầu — và tình hình thực tế ủng hộ cho điều đó.
Cho phép đồng NDT — vốn đã yếu hơn so với thời điểm Trump lần đầu tiên đắc cử cách đây tám năm — giảm giá có thể là một trong những tuyến phòng thủ đầu tiên. Đồng tiền này đã giảm khoảng 3% trong quý này và đã giảm so với đồng USD hầu hết các ngày kể từ cuộc bầu cử. Đồng tiền này đã giao dịch quanh mức 7.2 vào cuối tuần. Phần lớn các nhà kinh tế được Bloomberg News thăm dò dự đoán rằng PBOC sẽ để đồng tiền này trượt xa hơn nữa, có thể kết hợp với các biện pháp bảo vệ khác như ột vài đợt cắt giảm lãi suất và thâm hụt ngân sách lớn hơn. Các ý kiến đã bị chia rẽ về mức độ biến động của đồng NDT, nhưng khó có khả năng sẽ chứng khiến mức trên 8 NDT đổi một USD.
Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không muốn bất cứ điều gì giống như sự rơi tự do. Ngân hàng trung ương hạn chế biến động hàng ngày tốt nhất có thể vào từng thời điểm. Các động lực trên thị trường có một số tiếng nói; tăng trưởng chậm hơn và chi phí vay thấp hơn sẽ đẩy hầu hết các loại tiền tệ xuống. Nhưng có những việc rất nhỏ mà các quan chức không thể chấp nhận. Một dấu hiệu ban đầu cho thấy PBOC cảnh giác với giao dịch một chiều đã xuất hiện vào thứ Tư khi các quan chức đặt mức tỷ giá trung tâm hằng ngày, vào thời điểm sắp bắt đầu ngày giao dịch, cao hơn dự đoán của các môi giới trên thị trường. Hiện tượng này đã được lặp lại vào ngày hôm sau. Mục đích dường như là một sự sụt giảm có tính toán, chứ không phải là tạo ra sự phá giá đột ngột. (Một sự kiện kịch tính như vậy đã xảy ra vào năm 2015, làm chao đảo thị trường thế giới. Đó là một trải nghiệm đáng suy ngẫm đối với các nhà chức trách Trung Quốc và nhiều người khác.)
Tại sao 8 NDT đổi một USD lại quan trọng như vậy, ngoài việc là một con số tròn trĩnh? Nó giàu tính biểu tượng vì trước tháng 07 năm 2005, đồng tiền này đã được cố định ở mức khoảng 8.3 trong hơn một thập kỷ. Khi Trung Quốc hủy bỏ chế độ neo tỷ giá để ủng hộ một chế độ nới lỏng hơn nhưng không thả nổi, thì điều này được coi là một sự nhượng bộ trước áp lực của Mỹ. Tổng thống George W. Bush khi đó rất muốn ngăn chặn các dự luật nhằm trừng phạt thương mại đang được Quốc hội thông qua. Quay trở lại mức 8 hiện tại có thể tương đương với việc nói rằng sự linh hoạt là một sai lầm. Trừ khi Trung Quốc từ bỏ việc biến đồng NDT thực sự trở thành một đồng tiền quốc tế, nếu không họ sẽ phải cẩn thận với những quan điểm như vậy.
Bất cứ khi nào thị trường ngoại hối và thương mại được thảo luận, viễn cảnh về một số kiểu thỏa thuận vĩ mô luôn luôn xuất hiện trong cuộc trò chuyện. Hiệp định Plaza năm 1985, trong đó Đức và Nhật Bản được thuyết phục để cho đồng tiền của họ tăng giá đáng kể, đã xuất hiện tại một hội thảo ở Singapore vào tuần trước do Gavekal Research tổ chức. Một thỏa thuận toàn diện như vậy hiện tại sẽ rất khó đạt được, Louis-Vincent Gave và Arthur Kroeber gợi ý, nhưng một "thỏa thuận" khiêm tốn hơn là hoàn toàn khả thi. Cả ông Trump và ông Tập đều sẽ không được hưởng lợi từ mức thuế quan cao ngất ngưởng và các đòn trừng phạt mang tính trả đũa. Ông Trump được bầu một phần vì người dân không hài lòng với lạm phát, nhưng đó chính là những gì mà mức thuế quan thực sự cao sẽ tạo ra. Ông Tập đang phải đối mặt với sự suy thoái và không muốn bị loại hoàn toàn khỏi thị trường lớn nhất thế giới. Một số kịch bản khả thi mà trong đó ông Trump sẽ thể hiện sự kiềm chế để đổi lấy việc Trung Quốc mua nhiều nông sản và hàng hóa hơn có thể hiệu quả. Cả hai bên đều có thể tuyên bố chiến thắng và bỏ qua chuyện cũ.
Điều này đưa ra giả định rất lớn rằng họ sẽ tuân thủ thỏa thuận và mỗi bên sẽ cần thể hiện cho người dân của mình rằng họ đã đàm phán từ vị thế của kẻ mạnh. Một lý do khác khiến một thỏa thuận diện như Plaza trở nên quá đáng là niềm tin ở cả Nhật Bản và Trung Quốc rằng Tokyo đã chịu thiệt hại từ hiệp ước này. Cũng cần lưu ý: Các chính phủ hiện nay có ít ảnh hưởng đến thị trường so với bốn thập kỷ trước. Tốt hơn là nên hướng đến một điều gì đó khiêm tốn và tất nhiên là mang tính có qua có lại. Điều đó còn hơn là một cuộc xung đột thương mại kéo dài và căng thẳng.
Trong khi đó, Bắc Kinh có thể làm tệ hơn là khuyến khích — hoặc thúc đẩy — đồng NDT giảm. Cuối cùng, Rubin kết luận trong hồi ký của mình, nền kinh tế cơ bản thúc đẩy tiền tệ nhiều hơn là sự can thiệp của nhà nước. Thiên thời địa lợi đang phù hợp để đồng NDT giảm giá. Thậm chí có thể vì lợi ích của Trung Quốc.