Trung Quốc sẽ phản công nếu Tổng thống mới đắc cử Donald Trump thực hiện lời hứa áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, theo Trúc Mẫn, cựu quan chức cấp cao của Ngân hàng trung ương Trung Quốc.
"Nếu ông Trump và chính quyền Mỹ thực sự áp thuế 60% đối với Trung Quốc, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ trả đũa" và đưa vụ việc lên Tổ chức Thương mại Thế giới, ông Mẫn, cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg Television vào thứ Sáu (15/11). "Có nhiều điều họ có thể làm."
Ông Mẫn không nêu rõ các biện pháp trả đũa tiềm tàng. Nhưng ông cho biết mức thuế sẽ tác động đến đồng tiền Trung Quốc, mà theo ông, được xác định bởi các lực lượng thị trường như thương mại và dòng vốn. Ông nói thêm rằng mức thuế cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu của Trung Quốc đối với Trái phiêu Kho bạc Mỹ. Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn thứ hai của chính phủ Mỹ sau Nhật Bản, nắm giữ khoảng 775 tỷ USD Trái phiếu Kho bạc.
Thuế quan “sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, ảnh hưởng đến dòng vốn của Trung Quốc và cũng sẽ ảnh hưởng đến lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc mua vào”, ông Mẫn, hiện là chủ tịch Viện nghiên cứu tài chính quốc gia tại Đại học Thanh Hoa, cho biết.
Ông Trump đã áp thuế lên tới 25% đối với hơn 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khi ông còn ở Nhà Trắng — gây ra sự trả đũa từ Bắc Kinh — và Tổng thống Joe Biden phần lớn vẫn giữ nguyên mức thuế này. Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên tới 60%, mức mà Bloomberg Economics cho biết sẽ làm suy yếu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nếu chiến tranh thương mại leo thang, “sẽ rất khó khăn” đối với cả hai nước, ông Mẫn, người cũng từng là phó giám đốc điều hành tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết. “Sẽ thật tuyệt nếu cả hai bên có thể ngồi lại, nói chuyện và đạt được thỏa thuận vì về mặt kinh tế, cả hai bên thực sự bổ sung cho nhau”.
Ông Mẫn chỉ ra rằng xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, tăng vọt lên gần 4 nghìn tỷ USD, từ 2.5 nghìn tỷ USD vào năm 2019. Mặc dù vậy, Ông Mẫn cho biết Bắc Kinh đã thực hiện một "sự thay đổi chiến lược" để giảm sự phụ thuộc vào thương mại và thúc đẩy nhu cầu trong nước, một quá trình mà ông thừa nhận sẽ "mất một thời gian".
Khi được hỏi về việc liệu các biện pháp kích thích mà Bắc Kinh đưa ra kể từ cuối tháng 09 có đủ để chấm dứt tình trạng giảm phát mà Trung Quốc đang phải gánh chịu hay không, Ông Mẫn hầu như đã né tránh câu hỏi.
Ông cho biết "mục tiêu ngắn hạn" của Bắc Kinh là ổn định thị trường nhà ở, giảm gánh nặng nợ của chính quyền địa phương và thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng.