Kỳ vọng nhiều rồi để thất vọng, thỏa thuận “đầy đủ và toàn diện” với Vương quốc Anh mà Trump tuyên bố hóa ra mới chỉ là thỏa thuận sơ bộ, chưa được ký và vẫn còn nhiều cái phải bàn. Việc công bố “thỏa thuận” vào ngày hôm qua có lẽ là mang tính biểu tượng chính trị nhiều hơn là thương mại, như là một chiến thắng riêng của Trump trong ngày “Victory”, kỷ niệm chiến thắng trước lực lượng fascist. Tuy nhiên, qua đó chúng ta cũng có thể thấy một số điểm đáng chú ý trong chính sách thương mại của Trump.
Dưới đây là một số thông tin đã có về “thỏa thuận” giữa Anh – Mỹ:
- Mức thuế phổ quát 10% của Mỹ vẫn được giữ nguyên.
- Mỹ giảm thuế nhập khẩu ô tô Anh xuống 10.0% cho 100,000 xe đầu tiên mỗi năm; các xe vượt ngưỡng chịu mức thuế 27.5%.
- Thuế thép và nhôm từ Anh về 0.0%.
- Anh xóa thuế ethanol Mỹ, tăng hạn ngạch nhập khẩu thịt bò Mỹ không hormone.
- Anh sẽ mua 10 tỷ USD hàng hóa từ Boeing.
- Anh sẽ được ưu ái hơn trong các chính sách thuế quan mới của Mỹ, như thuế quan lên các mặt hàng dược phẩm.
- Không thay đổi thuế dịch vụ kỹ thuật số 2.0% và không giảm tiêu chuẩn thực phẩm hoặc an toàn xe hơi, giữ nguyên các “lằn ranh đỏ” của Anh.
- Không giảm thuế nhập khẩu ô tô từ Mỹ, bác bỏ một số tin đồn trước đó.
Ngoài ra, hai nước đạt thỏa thuận cấp cao về an ninh kinh tế và công nghệ, với cam kết hợp tác sâu hơn trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, điện toán lượng tử và khoa học đời sống.
Từ những điều khoản trên, chúng ta có thể thấy rằng, phía Mỹ, hay chính xác hơn là ông Trump, đã sẵn sàng nhượng bộ trong một số điều khoản tưởng chừng là không thể thay đổi, như thuế lên xe oto và nhôm thép. Tất nhiên là để đạt được nhượng bộ đó thì phải có điều kiện. Một số thông tin là Anh – Mỹ sẽ thành lập một dạng liên minh nào đó về nhôm – thép. Mặt khác, Anh là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Âu, vì vậy việc có những ưu ái là dễ hiểu. Nhưng, có thể thấy là khi có đủ lợi ích để đánh đổi thì Mỹ sẽ nhượng bộ.
Hơn thế nữa, có vẻ Mỹ sẽ không đàm phán thuế quan trên diện rộng, mà sẽ đàm phán theo từng nhóm, từng lĩnh vực. Mỗi nhóm/lĩnh vực sẽ có những chính sách thuế và đòi hỏi khác nhau. Mặt khác, khung thỏa thuận sơ bộ với Anh không nhắc gì đến Trung Quốc, có lẽ vì khả năng Anh làm trung gian kinh tế cho Trung Quốc là không cao. Tuy nhiên, với các nước khác, vấn đề này chắc chắn sẽ bị đưa lên bàn cân.
Trước năm 2025, Mỹ và Anh chưa từng ký kết một FTA nào. Các cuộc đàm phán song phương được khởi động từ năm 2020, dưới thời Trump nhiệm kỳ đầu, nhưng nhanh chóng bị đình trệ sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào năm 2021. Trong nhiệm kỳ Biden, Mỹ không ký thêm FTA nào mới, và chỉ đạt được một số bản ghi nhớ hợp tác (MoU) không mang tính ràng buộc pháp lý với Anh về các lĩnh vực như khoáng sản chiến lược, trí tuệ nhân tạo và quốc phòng.
Trước nhiệm kỳ 2 của Trump, thuế suất MFN trung bình của Mỹ đối với hàng hóa từ Anh là 2.8%, phù hợp với cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một số sản phẩm cụ thể có mức thuế cao hơn, như:
- Ô tô: 2.5%
- Rượu mạnh (whisky, gin): lên đến 25.0% (do tranh chấp Airbus–Boeing)
- Thép và nhôm: 25.0%, áp dụng từ 2018 theo Điều 232 vì lý do an ninh quốc gia
Từ tháng 1/2025, chính quyền Trump nhiệm kỳ hai áp dụng thuế phổ quát 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, đồng thời tăng thuế ô tô lên 25% và giữ nguyên mức thuế 25% đối với thép, nhôm. Kết quả là mức thuế hiệu dụng trung bình đối với hàng hóa từ Anh vọt lên khoảng 27%, mức cao nhất kể từ Thế chiến II.
Tóm lại,
Thỏa thuận lần này, về bản chất, là một động thái nhằm xoa dịu căng thẳng ngoại giao và củng cố quan hệ với một đồng minh then chốt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ–Trung leo thang. Việc vội vã công bố khi mới chỉ có khung thỏa thuận, vào đúng ngày 08/05, ngày “Chiến thắng” mà ông Trump mới tạo ra, thể hiện rõ động cơ chính trị đằng sau nó. Với công bố này, cả Thủ tướng Anh Keir Stammer lẫn ông Trump đều có thể tuyên bố chiến thắng và tạo lợi thế cho các vấn đề chính trị nội địa của họ. Qua đó, ông Trump cũng sẽ [hi vọng] tạo nên sức ép với các nước chưa đạt được thỏa thuận
Tuy nhiên, về mặt kinh tế, thỏa thuận không khôi phục được môi trường thương mại thuận lợi như trước 2025, và thực tế là không hề công bằng như ông Trump tuyên bố, mà Mỹ đang có lợi thế nhiều hơn trong khung thỏa thuận này. Theo công bố từ tài khoản MXH của ông Trump, mức thuế trung bình Anh áp lên hàng hóa Mỹ sẽ giảm từ 5.1% về 1.8% trong khi thuế của Mỹ lên (một số) hàng hóa Anh sẽ tăng từ 3.4% lên 10% (hoặc hơn).
Nhiều doanh nghiệp Anh – đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô – tiếp tục chịu thiệt hại từ các mức thuế cao. Với việc Anh không nằm trong số các nền kinh tế gây thâm hụt thương mại lớn cho Mỹ, việc duy trì các mức thuế cao lên tới 25% bị nhiều nhà kinh tế coi là phi lý về mặt hiệu quả lẫn chiến lược.
Ngược lại, việc giảm thuế cho xe oto Anh và thuế thép nhôm của ông Trump cũng gặp sự phản đối từ các hãng xe Mỹ, khi họ phải chịu mức thuế 25% khi nhập khẩu từ các đối tác Canada và Mexico.