Ngày 07/05/2025, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cùng các cơ quan tài chính cấp cao đã công bố một loạt biện pháp tiền tệ nhằm ổn định kinh tế trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang và niềm tin thị trường suy yếu. Đây là gói kích thích tiền tệ mang tính hệ thống, thể hiện nỗ lực chủ động và có định hướng trong việc vừa xử lý các áp lực chu kỳ ngắn hạn, vừa thúc đẩy các mục tiêu tái cấu trúc dài hạn. Nội dung chính của gói bao gồm việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) thêm 0.5 điểm phần trăm, tương đương bơm khoảng 1.0 nghìn tỷ CNY thanh khoản dài hạn vào hệ thống; hạ lãi suất điều hành từ 1.5% xuống 1.4%; đồng thời giảm lãi suất từ các công cụ tái cấp vốn và Quỹ nhà ở. Ngoài ra, PBoC còn tăng hạn mức tín dụng cho lĩnh vực công nghệ từ 500 tỷ lên 800 tỷ CNY và mở rộng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ chuyên biệt cho các lĩnh vực như nông nghiệp, dưỡng lão, và chứng khoán hóa tài sản.
Trong ngắn hạn, việc cắt giảm RRR và hạ lãi suất giúp hạ chi phí tài chính, đồng thời duy trì thanh khoản hệ thống ở mức hợp lý, nhất là trong bối cảnh chính phủ cũng đang tăng cường phát hành trái phiếu quy mô lớn. Trong tháng 4, PBoC đã bơm tới 1.7 nghìn tỷ CNY qua reverse repo, mức cao nhất kể từ 2023, để trung hòa tác động hút thanh khoản từ đợt phát hành trái phiếu ước tính khoảng 1.3 nghìn tỷ CNY. Khi các ngân hàng thương mại mua trái phiếu chính phủ, tiền sẽ chuyển từ tài khoản tại PBoC sang Kho bạc nhà nước, làm giảm lượng tiền dự trữ trong hệ thống. Nếu không được trung hòa kịp thời, điều này sẽ gây áp lực lên thị trường liên ngân hàng, khiến lãi suất tăng và tín dụng bị siết lại.
Về trung và dài hạn, gói biện pháp này cho thấy PBoC đang sử dụng chính sách tiền tệ như một công cụ để điều phối tái cấu trúc nền kinh tế. Việc ưu tiên vốn cho các ngành công nghệ, dịch vụ tiêu dùng, chăm sóc người cao tuổi phản ánh rõ định hướng chuyển dịch mô hình tăng trưởng, giảm phụ thuộc vào bất động sản và đầu tư hạ tầng quy mô lớn. Đây là bước đi phù hợp với chiến lược “tăng trưởng chất lượng cao” mà Trung Quốc đã cam kết từ sau Đại hội 19.
Tổng thể, gói kích thích tiền tệ công bố ngày 07/05 không đơn thuần là biện pháp đối phó ngắn hạn, mà là một bước điều chỉnh chiến lược trong khuôn khổ cải cách toàn diện chính sách tài chính – tiền tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, để các biện pháp này phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa, cải cách thị trường vốn và cải thiện tính minh bạch trong cơ chế điều hành. Đồng thời, vai trò của thị trường sơ cấp trái phiếu cũng cần được nâng cao, nhằm giảm phụ thuộc vào chỉ đạo hành chính và tăng tính hiệu quả phân bổ vốn theo nguyên tắc thị trường.