Đứng trên bình diện lý thuyết, tất cả các chỉ báo Phân tích kỹ thuật đều hoạt động theo xác suất. Tức là sau rất nhiều (hàng trăm, hàng nghìn lệnh) người ta thống kê được rằng, trong phần lớn các trường hợp, khi một chỉ báo chạm hay vượt ngưỡng nào đó, giá sẽ đi theo một hướng cụ thể. Giả dụ, trong số lần chỉ báo vượt ngưỡng 100, có 60% số lần giá sẽ tăng. Khi đó, nó sẽ trở thành một tín hiệu mua cho trader.
Nhưng mọi chuyện không bao giờ đơn giản như thế. Nếu giao dịch theo phân tích kỹ thuật dễ dàng như thế, thì tất cả đã trở thành tỉ phú hết rồi. Vậy thì điểm mấu chốt là ở đâu?
Thực ra Phân tích kỹ thuật không sai, nhưng có một vấn đề mà nhiều người, đặc biệt là những người mới vào nghề, không hiểu. Để có thể có được con số 60% trong ví dụ ở trên thì phải dựa trên hàng trăm hàng nghìn lệnh giao dịch khác nhau. Tức là nếu giao 1,000 lệnh theo tín hiệu sẽ có khoảng 600 lệnh lãi và 400 lệnh lỗ. Tuy nhiên, không có điều gì đảm bảo rằng bạn sẽ không gặp phải những chuỗi lệnh lỗ liên tục.
Đối với những người không đủ kiên nhẫn, hoặc không đủ vốn, nếu gặp những chuỗi lệnh thua lỗ dài sẽ nhanh chóng dẫn đến sự nghi ngờ với chỉ báo, với hệ thống. Nhiều ông có khi còn nghĩ mình bị lừa, đi bóc phốt ông thài dạy mình, dạy dỏm, lừa học viên. Rồi người ta lại tìm kiếm một chỉ báo khác, một hệ thống khác và lại không đủ kiên nhẫn, không đủ vốn. Nó tạo thành một vòng xoáy luẩn quẩn khiến cho phần lớn các trader chìm trong thua lỗ liên tục dù đã tìm, đã học đủ mọi phương pháp khác nhau.
Để sử dụng hiệu quả phân tích kỹ thuật, bạn phải hiểu bản chất của phân tích kỹ thuật và có đủ kiên nhẫn để đánh giá đúng các phương pháp, các hệ thống mà mình sử dụng.