Trong bài viết Đồng USD suy yếu và rạn nứt của chủ nghĩa biệt lệ Mỹ?, chúng tôi đã đề cập đến sự suy yếu niềm tin của nhà đầu tư đã dẫn đến việc bán tháo các tài sản niêm yết bằng đồng USD, hay giờ đây giới truyền thông gọi là “sell America”. Tuy nhiên đó mới chỉ là một phần của bức tranh. Khi xem xét sâu hơn vào cấu trúc tài chính Mỹ, sell America còn liên quan sâu hơn đến Fed, QE-QT và cuối cùng dẫn tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn thuế đối ứng với phần lớn các nước.
Trong suốt thập kỷ qua, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính 2008, khái niệm term premium – phần bù rủi ro khi nắm giữ trái phiếu dài hạn thay vì lãi suất ngắn hạn – gần như biến mất. Lãi suất siêu thấp, chương trình mua tài sản quy mô lớn của Fed (QE), và môi trường lạm phát thấp đã làm cho đường cong lợi suất bị nén xuống bất thường.
Tuy nhiên, điều đó đang thay đổi. Term premium đang quay trở lại, và nó phản ánh đúng thực tế rằng nhà đầu tư giờ đây đòi hỏi mức đền bù cao hơn cho các rủi ro vĩ mô: rủi ro lạm phát, rủi ro chính sách, rủi ro nợ công.
Term premium tăng cao thúc đẩy làn sóng bond vigilantes, khi các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu, vừa là để đòi hỏi mức lợi tức cao hơn đối với các trái phiếu dài hạn, vừa là để tác động đến chính sách, việc đã buộc Tổng thống Donald Trump phải tạm hoãn thuế 90 ngày đối với phần lớn các quốc gia.
Nhưng điều gì đã khiến term premium quay trở lại, tại sao lại là thời điểm này. Chúng tôi sẽ giải thích cụ thể ngay sau đây.