Hình mẫu của Donald Trump hay bản chất nước Mỹ

Những gì Donald Trump đã làm trong chưa đến hai tháng đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông đã khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí hoang mang. Nhưng nếu tìm hiểu một chút, chúng ta có thể sẽ thấy rằng, thời đại của Trump, chỉ là lịch sử lập lại. Những gì Trump đang làm, đã có người từng làm. Thực tế, nhân vật lịch sử đó chính là nguồn cảm hứng cho những chính sách mà Trump đã thực hiện từ nhiệm kỳ đầu cho tới nay.

Nhân vật lịch sử mà chúng ta đang nói đến, là Hạ nghị sĩ, Thống đốc và sau này là Tổng thống William McKinley.

Image

Chính sách kinh tế

Cũng giống như Trump, hay nói đúng hơn, là Trump giống như McKinley, đều có sự ưa thích đối với chính sách thuế quan. Khi còn là Hạ nghị sĩ, McKinley đã tài trợ cho một dự luật, sau gọi alf Tariff Act hay còn gọi là McKinley Act. Đạo luật này nâng thuế nhập khẩu của hàng hóa vào Mỹ lên cao, từ 38% cho tới 49.5% tùy loại.

Đạo luật này đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề nhất lịch sử nước Mỹ cho đến nay vào năm 1893. Thông tin lịch sử thường nhắc đến sự sụp đổ của các công ty đường sắt là nguyên nhân và khởi đầu của cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, sâu xa hơn, xuất phát từ các mức thuế quan của McKinley. 

Các nước bị Mỹ đánh thuế, đã quay đầu không nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản của Mỹ. Trước đó, ngành nông nghiệp Mỹ đã chìm trong nợ nần để mở rộng tăng năng suất. Khi nhu cầu nước ngoài sụp đổ, giá nông sản lao dốc. Các ngành công nghiệp cũng chịu số phận tương tự.

Hoạt động thương mại sụt giảm khiến doanh thu của ngành đường sắt, vốn cũng mở rộng nhanh chóng dựa trên nợ để phục vụ tăng trưởng kinh tế nóng trước đó, sụt giảm theo. Từ đó dẫn tới sự phát sản của hàng loạt công ty đường sắt và kích hoạt suy thoái kinh tế.

Image

Điều trái khoáy là vài năm sau đó, khi McKinley trúng cử Tổng thống, lại đúng vào giai đoạn kinh tế phục hồi sau suy thoái và McKinley đã được hưởng hết công lao về sự phục hồi kinh tế sau đó. Trong những bài phát biểu của mình, Trump lờ đi hậu quả chính sách thuế quan của McKinley trong giai đoạn trước nhiệm kỳ tổng thống của ông ta, chỉ tập trung vào những gì diễn ra dưới nhiệm kỳ của McKinley, cho rằng đó là thời kỳ thịnh vượng nhất của nước Mỹ.

Sự sụp đổ kinh tế 1893 đã giúp cho việc thúc đẩy, khôi phục hoạt động sản xuất trong nước trở nên dễ dàng hơn (vì mọi giá cả đã lao dốc trước đó, chi phí sản xuất tại nội địa Mỹ sẽ rẻ hơn đáng kể, giúp hàng hóa Mỹ có thể cạnh tranh với nước ngoài)

Còn bây giờ, chi phí sản xuất tại Mỹ vẫn đang quá cao so với nhiều nước, kể cả láng giềng Mexico. Nói chính xác hơn, kể từ đầu thập niên 2010, chi phí lao động tại Mexico còn thấp hơn cả Trung Quốc. Một vài ý kiến gần đây cho rằng, có thể Trump đang cố tình tạo ra một sự suy thoái vì mục đích nào đó. Tôi không biết có đúng như vậy không, nhưng nếu đúng, thì Trump cũng không thể tại vị đến lúc có thể nhận công lao cho sự phục hồi kinh tế sau đó, nếu có.

Còn trước mắt, nếu Trump theo đuổi một cách mù quáng chính sách thuế quan như McKinley, không có gì có thể khẳng định, lịch sử không lặp lại, dù có thể nó sẽ không giống hoàn toàn.

Chủ nghĩa bành trướng

Nước Mỹ, từ lâu đã muốn sáp nhập Canada vào nước Mỹ, không chỉ dưới thời Trump. Vào thế kỷ 19, Mỹ đã từng muốn làm thế. Tận dụng đạo luật thuế quan của McKinley, nước Mỹ tìm cách dụ dỗ, thúc ép Canada sáp nhập vào Mỹ như bang thứ 45 (vào thời đó). Tuy nhiên, để đối phó với các biện pháp thuế quan của Mỹ, Canada đã chuyển hướng, xuất khẩu hàng hóa của mình sang Anh Quốc. Vào thời điểm đó, Canada vẫn là một chính quyền tự trị nằm trong chủ quyền của Anh Quốc. Ngược lại, Mỹ mất thị phần của mình tại Canada, một phần lý do khiến giá nông sản Mỹ giảm mạnh.

Đó là trước nhiệm kỳ của McKinley. Trong nhiệm kỳ của mình, McKinley tiếp tục chủ nghĩa bành trướng. Gây chiến với Tây Ban Nha để chiếm được Philippines, Puerto Rico và Guam. Đồng thời, Mỹ cũng chiếm luôn Hawaii. 

Image

Cho đến hiện nay, ngoài Philippines, tất cả các vùng lãnh thổ Mỹ chiếm được dưới thời McKinley vẫn thuộc lãnh thổ Mỹ. Guam và Hawaii tiếp tục là tiền đồn mang tính chiến lược về đại chính trị của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Những tuyên bố của Trump đối với Canada, Greenland hay Panama cũng mang tính chiến lược quan trọng trong bàn cờ địa chính trị toàn cầu. Có được Canada và Greenland, Mỹ sẽ chính thức kiểm soát một nửa tuyến đường vận tải Bắc cực. Có được Panama, Mỹ cũng kiểm soát được tuyến đường vận tải phía Nam (con đường ngắn nhất). Địa chính trị, cuối cùng vẫn là khả năng kiểm soát và bảo vệ hoạt động thương mại.

Image