Trong tuần trước, khi Việt Nam đang nghỉ lễ Tết Nguyên đán, giá vàng thế giới đã bật tăng, phá vỡ mức kỷ lục cũ để chạm mức giá 2,862.9 USD/ounce. Chỉ một ngày trước đó, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã công bố báo cáo khuyến nghị Vàng và Dầu như một tài sản trú ẩn trong thời gian tới.
Từ cuối năm ngoái, tôi đã lên tiếng ủng hộ việc mua vàng trong năm 2025 (không phải khuyến nghị đầu tư), nhưng chưa từng trình bày chi tiết lập luận đằng sau nhận định này. Nhân dịp giá vàng break out trong dịp đầu năm mới, tôi sẽ review lại cụ thể.
Giá vàng đã có một nhịp tăng mạnh mẽ trong năm 2024, với sự hỗ trợ từ các bất ổn địa chính trị quốc tế và các đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed. Nền tảng cho đà tăng của giá vàng trong năm nay, khá đơn giản - như chúng ta đã chứng kiến vài ngày qua, đến từ những rủi ro mang tên Donald Trump.
Thực hiện lời hứa của mình, Tổng thống Trump đã nhanh chóng gây sức ép để đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza và đưa các con tin trở về. Tại Ukraine, tiến trình hòa bình sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn rất nhiều, nhưng nguy cơ chiến sự lan rộng tại chiến trường này không nhiều như ở Trung Đông. Ở thời điểm hiện tại, các thặng dư rủi ro đến từ xung đột quân sự là không lớn. Tuy nhiên, tôi không cho rằng nó đã nguội lạnh, đặc biệt là tại khu vực Gaza, khi Israel quyết tâm tìm cách đảm bảo sẽ không có một mối nguy nào nữa đến từ lực lượng Hamas hay các xúc tu của Iran trong khu vực. Dù vậy, như đã nói, thặng dư rủi ro ở thời điểm này là không lớn, vì vậy hãy tạm gác nó sang một bên.
Thặng dư rủi ro chính trong lập luận của tôi đến từ các ảnh hưởng về mặt kinh tế từ các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các hành động của ông Trump, dù tốt hay xấu cho kinh tế Mỹ (như nhận định chung ở thời điểm hiện tại là xấu), đều sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế thế giới, vốn đã không mấy sáng sủa sau khủng hoảng kép Covid và lạm phát.
Và trong giai đoạn bất ổn về kinh tế, dòng tiền thường đổ về các tài sản trú ẩn, mà lớp tài sản hiển nhiên nhất là Vàng, hoặc có thể nói rộng ra là kim loại quý. Như lời anh Khánh Hedge, lập luận của tôi dựa trên phân tích hành vi của các nhà đầu tư, bất ổn thì trú ẩn, trú ẩn thì nhìn vàng.
Anh Khánh Hedge cũng đưa ra một lập luận đối lập rằng, các chính sách của Trump, sẽ khiến công cuộc hạ lãi suất của Fed sẽ bị đình trệ. Tức lãi suất cao trong thời gian dài hơn, việc sẽ ảnh hưởng tới chi phí tài chính và từ đó ảnh hưởng tới xu hướng giá của các tài sản rủi ro. Cho tới điểm này, tôi hoàn toàn đồng ý.
Tuy nhiên, điểm tách biệt trong lập luận của tôi, là vàng là tài sản trú ẩn. Xét cho cùng, biến động giá của bất cứ cái gì, cũng xuất phát từ hành vi của nhà đầu tư trên thị trường, tức việc họ mua hay bán. Các yếu tố cơ bản sẽ là điểm kích hoạt dòng tiền của nhà đầu tư về phe mua, hay phe bán. Thế nhưng, ở mỗi thời điểm, dòng tiền sẽ chạy theo một yếu tố bao trùm nào đó (yếu tố mạnh nhất sẽ kéo dòng tiền theo nó). Có thể, trong một thời điểm, vấn đề chi phí tài chính, lãi suất… sẽ khiến giá vàng giảm. Nhưng khi rủi ro tăng (mỗi khi Trump đưa ra một tuyên bố, một chính sách mới), thị trường sẽ dồn sự chú ý vào rủi ro đó, và những sức ép trái chiều từ các vấn đề khác, sẽ không đủ mới và mạnh để thu hút dòng tiền.
Nhìn trong khung thời gian dài hơn, việc vàng tăng trong năm 2025, tôi cũng thấy nó giống như sức mạnh của USD trong năm 2024. Dù khả năng Fed cắt lãi suất tăng hay giảm (dựa trên số liệu lạm phát và việc làm), đều hỗ trợ đồng USD. Điều tương tự cũng có thể diễn ra với vàng: (1) Fed cắt lãi suất, tiền đổ ra nền kinh tế dễ dàng hơn, vàng tăng theo logic thông thường, (2) Fed không cắt lãi suất, rủi ro kinh tế suy yếu, đặc biệt là trước các biện pháp thuế quan của Trump, vàng tăng.
Nói tóm lại, các quyết định của Trump có ảnh hưởng bao trùm hơn các yếu tố khác, đặc biệt là nó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, không định trước hay báo trước như lịch họp Fed hay số liệu vĩ mô. Lưu ý rằng, giá vàng lập đỉnh trong tuần trước không đồng nghĩa nó sẽ tăng liên tục từ thời điểm này. Luận điểm của tôi đánh giá trên khung thời gian trung và dài hạn.
Một mẩu dữ liệu bổ sung là khối lượng vàng vật chất được đăng ký giao nhận của hợp đồng vàng kỳ hạn gần nhất đáo hạn (tháng 02/2025) tăng lên mức cao nhất lịch sử. Cho những ai không quen thuộc với thị trường hàng hóa, phần lớn volume giao dịch trên thị trường đều tất toán trước đáo hạn, tức phần lớn mọi người chỉ muốn đầu cơ giá mà không có ý định nắm giữ vàng vật chất. Việc lượng vàng vật chất đăng ký giao nhận tăng vọt cho thấy điều gì đó.
Lượng vàng đăng ký giao nhận trên sàn COMEX tại New York tăng vọt lên 2.9 triệu ounce vào cuối tháng 01.
Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, các tổ chức tài chính đã chuyển khoảng 393 tấn vàng vào các kho của sàn Comex, khiến tồn kho của sàn này tăng lên 926 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 08/2022. Quan trọng hơn, xu hướng này đã khiến thanh khoản của Sàn Kim loại thỏi London LBMA, vốn là thị trường giao dịch kim loại quý lớn nhất thế giới, cạn kiệt. Sự cạn kiệt thanh khoản này nhận thấy rõ ở thời gian đợi để có thể rút vàng khỏi kho của LBMA (tại kho của Ngân hàng Anh), vốn chỉ vài ngày, lên khoảng từ 4 đến 8 tuần.
Tồn kho vàng tại các kho của sàn COMEX tăng vọt.
Mặt khác, số liệu CFTC cho thấy lượng mua ròng các hợp đồng vàng đã tăng mạnh trở lại vào cuối tháng 01 (tính đến 21/01), trong khi lượng bán ròng giảm mạnh, chạm mức thấp nhất kể từ 07/04/2020, từ thấp nhất gần 5 năm.
Ba điểm dữ liệu cuối cùng không phải là căn cứ vững chắc cho lập luận vàng tăng của tôi, mà chỉ là một điểm lưu ý cho những ai quan tâm.
Tóm lại, nền tảng cơ sở cho nhận định vàng tăng của tôi là rủi ro Trump. Tuy nhiên, tôi không khẳng định vàng sẽ là khoản đầu tư tốt nhất (hay tốt nhì gì đó) trong năm nay. Và, đây không phải là khuyến nghị đầu tư.